Lịch sử Tỉnh_thành_Việt_Nam

Khái niệm "Tỉnh" lần đầu tiên được dùng để chỉ loại đơn vị hành chính địa phương cấp cao nhất ở Việt Nam là vào năm 1831, trong cuộc cải cách hành chính của vua Minh Mạng nhà Nguyễn. Trước đó, hành chính Đàng TrongĐàng Ngoài nhà Lê trung hưng, hành chính nhà Tây Sơn, và hành chính thời đầu nhà Nguyễn (thời vua Gia Long, Minh Mạng), thì khái niệm tương đương và là tiền thân của "Tỉnh" được gọi là Trấn. Thời kỳ đầu nhà Nguyễn, trên cấp trấn còn có cấp Tổng trấn, với 2 tổng trấn ở hai đầu đất nước là Bắc Thành và Gia Định Thành (quản lý hành chính được phân quyền bớt cho các tổng trấn ở xa triều đình trung ương), tuy nhiên các tỉnh ở miền trung thì thuộc trực tiếp triều đình Huế quản lý. Từ năm 1831 trở đi, giống như nhà Thanh Trung Quốc, nhà Nguyễn đặt ra tỉnh thay cho trấn (với 30 tỉnh trên cả nước vào thời kỳ nhà Nguyễn độc lập, kể cả kinh đô Huế), nhưng vẫn ghép từ 2 đến 3 tỉnh lại đặt dưới sự quản hạt của một viên quan Tổng đốc. Ban đầu, 17 tỉnh đầu tiên được lập ở Bắc Thành cũ vào tháng 10 (âm lịch) năm 1831 gồm: Hưng Hóa, Sơn Tây, Hà Tuyên, Bắc Thái, Bắc Ninh, Cao Lạng, Hải Dương, Quảng Yên, Nam Định, Hưng Yên, Hà Nội, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị.[1] 1 năm sau, 12 tỉnh còn lại được lập ở Gia Định Thành cũ vào tháng 10 (âm lịch) năm 1832 gồm: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Định, Bình Thuận, Khánh Hòa, Gia Định, Biên Hòa, Vĩnh Long, Định Tường, An Giang, Hà Tiên.[2] Ngoài ra còn có phủ Thừa Thiên đặt Kinh đô, được xem là tương đương hàng tỉnh. Nhiều tỉnh Việt Nam ngày nay còn giữ nguyên tên gọi và ngày thành lập từ lần lập tỉnh đầu tiên các năm 1831-1832 trong cuộc cải cách hành chính thời Nguyễn triều Minh Mạng. Một vài tỉnh trong số đó còn hầu như ít thay đổi địa giới so với thời đó, như tỉnh Thanh Hóa.